Vì Sao Viettel “Mạo Hiểm” Đầu Tư Vào Dự Án Thu Phí Không Dừng

“Trong phương án tài chính chúng tôi có tính toán lợi nhuận, nhưng dự án kéo dài tới 25 – 27 năm mới hoàn vốn thì có rất nhiều khó khăn chưa thể lường trước được. Tuy nhiên, đây thực sự là dự án vì đất nước, vì dân sinh.”
Ông Bùi Trình – Tổng Giám đốc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) chia sẻ khi tham gia vào giai đoạn 2 của Dự án thu phí tự động không dừng.

Trước đây, doanh nghiệp thu phí tự động VETC đã phải trải qua một quá trình dài với rất nhiều khó khăn, rủi ro tài chính, chậm tiến độ, thậm chí họ từng làm văn bản xin trả dự án cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Vậy VDTC quyết định tham gia vào “sân chơi” này có phải là mạo hiểm hay không?
ong-bui-trinh

Trước khi tham gia vào dự án, chúng tôi với kinh nghiệm và năng lực vận hành khai thác công nghệ thông tin cũng như viễn thông, đã đi đầu tư ở rất nhiều thị trường nên chúng tôi nhận biết rằng đây là một dự án thực sự khó khăn, kéo dài và phương án tài chính lên xuống vì cứ 7 năm lại tái đầu tư. Trong khi đó, mật độ dán thẻ phương tiện hiện tại rất thấp, việc tăng giá vé, giá phí không được đúng như lộ trình như phương án tài chính.

Tuy nhiên, đây là dự án vì đất nước, vì dân sinh, vì sự nghiệp hiện đại hóa giao thông thông minh để góp phần phát triển đất nước nên chúng tôi quyết định đầu tư và ký hợp đồng BOO2.

Nói như ông thì mục đích tham gia dự án thu phí không dừng là vì dân sinh chứ không phải là làm ăn kinh tế?

Chúng tôi đã tính toán phương án tài chính, lợi nhuận, nhưng dự án kéo dài tới 25-27 năm thì mới hoàn vốn và có chút lãi vì có rất nhiều khó khăn chưa thể lường trước được, ví dụ như mật độ phương tiện không tăng như kỳ vọng, doanh thu không đúng với phương án tài chính ban đầu… Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi tin rằng những khó khăn vướng mắc sẽ được tháo gỡ và chúng tôi có thể cập nhật phương án tài chính hợp lí.

Nếu không tính thời gian đấu thầu, VDTC chỉ mất 6 tháng để đầu tư, mua sắm, xây dựng triển khai lắp đặt hệ thống thu phí không dừng tại 25 trạm, VDTC đi nhanh nhưng có “vượt ẩu” không và cam kết như thế nào với người tiêu dùng về chất lượng hạ tầng của dự án?

Viettel có hạ tầng truyền dẫn tốt, đó là mạch máu kết nối tất cả các trạm thu phí mà Viettel cung ứng dịch vụ thu phí không dừng tới trung tâm dữ liệu.

Hệ thống công nghệ thu phí không dừng rất phức tạp, mới mẻ, khó khăn hơn cả các hệ thống viễn thông mà chúng tôi đã quá quen thuộc. Với năng lực của đội ngũ sản xuất phần mềm, các đơn vị nghiên cứu về công nghệ, nghiên cứu về thông tin, cùng nguồn lực của các đơn vị bạn trong cùng tập đoàn, Viettel đã tập trung toàn bộ nguồn lực về tài chính, công nghệ, tri thức… với hơn 500 người cho VDTC để hoàn thành dự án.

Chúng tôi đã thiết kế dịch vụ luôn luôn hoạt động ổn định trong mọi điều kiện và tính tới cả trong trường hợp bão lũ, thảm họa thiên nhiên ở miền Trung, Tây Nguyên gây gián đoạn…

VDTC là doanh nghiệp “sinh sau, đẻ muộn” trong lĩnh vực giao thông số, có ý kiến cho rằng đi sau thì phải tạo được những gì với người đi trước chưa làm được thì mới mong thành công. Vậy dịch vụ ePass của VDTC có khác biệt và ưu việt gì so với dịch vụ của BOO1, thưa ông?

Về mặt vật lí của 2 thẻ Epass và thẻ của BOO1 hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khác biệt mà VDTC tạo ra là nâng cao trải nghiệm dịch vụ đối với khách hàng và sự linh hoạt của hệ thống thu phí không dừng.

xe chay qua tram e pass

Một cái khó hiện nay là các trạm thu phí không dừng vẫn còn barie, để triển khai liên kết được với ngân hàng, nhà đầu tư hoặc ngân hàng phải thực hiện nâng cấp cả hệ thống hạ tầng của các ngân hàng và kết nối liên thông sang dịch vụ của mình mới đảm bảo xe qua trạm an toàn.

VDTC đã tận dụng sản phẩm của Viettel là Viettelpay (ngân hàng số – PV) để thực hiện thanh toán. Khách hàng của ePass có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa, đặc biệt là giải pháp thanh toán trực tuyến khi kết nối với ViettelPay: khách hàng không cần phải nạp tiền vào tài khoản giao thông mà chỉ cần thực hiện liên kết tài khoản giao thông với tài khoản ViettelPay, khi đi qua trạm hệ thống sẽ thực hiện quét và trừ tiền trực tiếp vào tài khoản ViettelPay.

Khác biệt nữa của VDTC là khi các phương tiện đã dán thẻ ePass thì có thể lưu thông qua tất cả các làn thu phí tại trạm, bao gồm cả làn thu phí tự động và làn hỗn hợp.

Sau khi xây xong nền tảng công nghệ thu phí tự động không dừng, VDTC có tính toán tới việc sẽ tham gia sâu hơn trong “sân chơi” của ngành giao thông với việc thay đổi hệ thống công nghệ cũng như xây dựng nền tảng về giao thông thông minh trong tương lai gần hay không?

Tham gia vào dự án thu phí tự động không dừng, chúng tôi rất muốn đóng góp vào hệ sinh thái giao thông thông minh ITS cho Việt Nam. Phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố căn bản để phát triển kinh tế. Viettel mong muốn tham gia vào dự án này, góp phần nâng cao hạ tầng giao thông số của Việt Nam và người sử dụng hạ tầng công nghệ được trải nghiệm những dịch vụ giao thông thông minh, nâng cao văn hóa giao thông.